Trong các cuộc phỏng vấn đều có trình tự được quy định sẵn. Bởi vì thứ mà các nhà phỏng vấn muốn biết về các ứng viên đa số là như nhau. Ở trang này, chúng tôi xin chọn lọc ra 5 câu hỏi rất hay được đưa ra ở các cuộc phỏng vấn, đồng thời cũng xin giới thiệu ý đồ của câu hỏi và những phương pháp trả lời thích hợp dành cho những câu hỏi này.
1. Lý giải quy trình phỏng vấn
Để có thể vượt qua vòng tuyển chọn phỏng vấn trong các hoạt động xin việc, bạn cần phải nhớ được quy trình cơ bản của một cuộc phỏng vấn. Dù bạn nhận được lời mời phỏng vấn ở công ty nào đi chăng nữa thì quy trình phỏng vấn đều sẽ tương tự như nhau. Bởi vì dù ở bất kỳ công ty nào thì điều mà nhà tuyển dụng muốn biết được thông qua cuộc phỏng vấn là như nhau. Ngược lại, nếu bạn hiểu được quy trình của cuộc phỏng vấn, bạn có thể hiểu được những điều mà nhà phỏng vấn muốn biết thông qua cuộc phỏng vấn cũng như lý giải được những tiêu chuẩn đánh giá của họ.
Dù những từ ngữ mà nhà phỏng vấn sử dụng có thể khác nhau, nhưng bạn hãy nhớ rằng quy trình phỏng vấn sẽ bao gồm 5 bước theo như sơ đồ dưới đây: “Tự giới thiệu/ PR bản thân”, “Câu hỏi về lý do chuyển việc”, “Câu hỏi về động cơ xin việc”, “Câu hỏi về những kinh nghiệm/ kỹ năng có thể sử dụng”, “Câu hỏi ngược lại nhà tuyển dụng (ứng viên hỏi người phỏng vấn)”.
Đầu tiên, bạn hãy ghi nhớ thứ tự của những câu hỏi này. Tiếp theo, chúng tôi xin được giải thích cách trao đổi, ý đồ và phương pháp để trả lời thật tốt cho từng câu hỏi.
Quy trình phỏng vấn thông dụng
2. Câu 1: Tự giới thiệu/ PR bản thân “Mời bạn tự giới thiệu về bản thân”
Các cuộc phỏng vấn thường sẽ bắt đầu bằng việc “Tự giới thiệu/ PR bản thân”. Cũng có những nhà phỏng vấn sẽ đi ngay vào vấn đề “Mời bạn tự giới thiệu về bản thân” nhưng cũng có nhiều nhà phỏng vấn dùng cách nói “Xin mời bạn nói về sơ yếu lý lịch và PR bản thân”. Bằng câu hỏi này, nhà phỏng vấn sẽ đưa ra đánh giá khái quát “Liệu ứng viên này có thể làm việc một cách tích cực ở công ty mình hay không?”. Nếu cách trả lời câu hỏi này của bạn có thể khiến cho nhà phỏng vấn nghĩ rằng “Người này có thể làm việc ở công ty mình” thì mọi việc phía sau sẽ tiến triển thuận lợi hơn. Nhà phỏng vấn sẽ nhiệt tình hơn với những cuộc trao đổi tiếp theo, những câu hỏi tiếp theo cũng sẽ trở thành “Những câu hỏi để tuyển dụng”.
Các điểm mấu chốt khi trả lời câu hỏi này gồm có 3 điểm. Đầu tiên là “nhìn vào mắt của đối phương và nói chuyện thật trôi chảy”. Hẳn đây là điều đương nhiên nhưng có rất nhiều người không làm được việc này. Việc nhìn thẳng vào mắt đối phương và nói chuyện thật rõ ràng mà không bị ngập ngừng là một trong những điều rất cơ bản để tạo được ấn tượng tốt đối với người khác, đây cũng là một thứ vũ khí quan trọng để bạn có thể làm việc một cách hiệu quả với tư cách một nhân viên kinh doanh. Bạn hãy thực hành để có thể nói thật trôi chảy nhé.
Điểm thứ 2 chính là “hiểu được một cách rõ ràng những thành tích trong công việc”. Như đã nói ở trên, điều mà các nhà phỏng vấn muốn nhận định thông qua câu hỏi này là “Liệu ứng viên này có thể làm việc một cách tích cực ở công ty mình hay không?”. Nên cho dù bạn có nói về những hoạt động khi còn là sinh viên hay những điểm mạnh về mặt tính cách cũng chỉ là vô nghĩa. Vì vậy, bạn hãy cố gắng truyền đạt một cách cụ thể nhất những nội dung công việc mà bạn từng có kinh nghiệm hoặc những thành tựu mà bạn đã có được nhé.
Điểm thứ 3 là việc đề cập đến những “kỹ năng, kinh nghiệm mà công ty và công việc bạn đang ứng tuyển yêu cầu”. Nếu những lời PR bản thân của bạn không liên quan gì đến công ty hoặc công việc bạn đang ứng tuyển, e rằng nhà tuyển dụng sẽ phán đoán rằng bạn “không có tìm hiểu kỹ về công ty” hoặc “không thật sự mong muốn trở thành nhân viên của công ty”. Bạn hãy cố gắng liên kết những kinh nghiệm và kỹ năng của bản thân với ngành nghề, công ty mà bạn ứng tuyển nhé.
Bạn hãy ghi nhớ những điều phía trên và chỉ trả lời trong vòng 1-2 phút. Trả lời quá dài sẽ không tốt. Cơ bản là bạn phải trả lời thẳng vào vấn đề và súc tích nhất có thể. Nếu nhà phỏng vấn hứng thú với nội dung câu trả lời của bạn thì họ sẽ đặt ra thêm nhiều câu hỏi để đào sâu hơn. Câu trả lời đầu tiên của bạn sẽ là tư liệu của câu hỏi cho nhà phỏng vấn. Nếu nhà phỏng vấn đặt ra nhiều câu hỏi cho bạn tức là nhà phỏng vấn đang hứng thú với bạn, vì vậy sẽ tốt hơn nếu bạn hãy cố gắng đối ứng bằng cách trả lời thật cụ thể.
3. Câu 2: Câu hỏi về lý do chuyển việc “Tại sao bạn lại chọn công ty hiện nay? Tại sao bạn lại nghỉ việc?”
Sau phần tự giới thiệu/ PR bản thân chính là câu hỏi về “Lý do chuyển việc”. Nói cách khác, tại sao bạn lại từ bỏ công việc trước kia/ hiện tại. Với câu hỏi này, nhà phỏng vấn muốn biết được “Liệu việc tương tự có xảy ra ở công ty của mình và người này có lại nghỉ việc hay không?”Nhà phỏng vấn luôn hiểu được rằng bạn đã bất mãn nên cố gắng để chuyển việc, nên bạn không cần phải tạo ra những lý do để nói trong buổi phỏng vấn hoặc tạo ra những nội dung kỳ lạ để lãng tránh sự việc này. Khi người ngoài công ty nghe những điều này, nếu họ cảm thấy đó là những lý do không thể tránh khỏi thì bạn có thể thật lòng nói về lý do tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng là không được đặt khía cạnh tình cảm lên trước, mà bạn phải nói một cách cụ thể và logic sau đó đưa ra kết luận theo hướng tích cực.
Ví dụ lý do trực tiếp khiến bạn nghỉ việc là do tăng ca quá nhiều. Vậy thì lúc này, nếu bạn trả lời rằng “Vì tăng ca quá nhiều nên tôi cảm thấy chán ghét” thì bạn sẽ chỉ nhận được những đánh giá tiêu cực từ nhà phỏng vấn. Vì ở bất kỳ công ty nào cũng sẽ có những chế độ tăng ca khác nhau. Bạn sẽ chỉ đem lại sự e ngại cho nhà phỏng vấn rằng “Nếu yêu cầu người này tăng ca trong thời gian họ bận rộn thì họ sẽ nghỉ việc hay sao?”
Nếu bạn trả lời rằng “Hơn một năm nay, ngày nào tôi cũng phải làm việc từ 9h sáng đến 12h đêm, mặc dù đã đề xuất các phương án để cải thiện lên cấp trên nhưng tôi đã không nhận được sự đồng tình. Sau khi suy nghĩ về nghề nghiệp của chính bản thân mình, tôi nghĩ rằng mình cần nhiều thời gian hơn để trau dồi bản thân. Vì vậy tôi quyết định nghỉ việc.”, nhà phỏng vấn sẽ có cảm giác được thuyết phục hơn và cũng sẽ nhìn nhận bạn là một con người có ý chí cầu tiến.
Một điều quan trọng nữa là quy định sẵn “những thứ không được nói trong buổi phỏng vấn”. Không phải bất kỳ sự bất mãn nào cũng có thể nói ra một cách thẳng thắn. Bất kể ai khi thuộc một công ty hay tổ chức nào đó đều ôm ít nhiều những sự bất mãn trong lòng. Với tư cách là một nhân viên kinh doanh, bạn hãy suy nghĩ về những sự bất mãn không phù hợp và loại bỏ nó trước khi tới cuộc phỏng vấn.
4. Câu 3: Câu hỏi về động cơ xin việc “Tiêu chí bạn lựa chọn công ty xin việc là gì? Tại sao lại là công ty của chúng tôi?”
Bằng câu hỏi về động cơ xin việc, phỏng vấn muốn xác nhận “Mức độ nghiêm túc khi ứng tuyển vào công ty” và “Liệu người này có thể làm việc lâu dài ở công ty của mình hay không?”. Thứ bạn cần truyền tải cho nhà phỏng vấn khi trả lời câu hỏi này là “Tại sao không phải là một công ty khác mà bạn lại muốn chọn công ty này để ứng tuyển”. Nếu bạn không đưa ra được một động cơ xin việc rõ ràng thì nhà phỏng vấn sẽ nghĩ rằng “Chẳng phải là công ty nào cũng tốt hay sao?” hay “Chắc người này chỉ tạm thời ứng tuyển đại vào công ty thôi!” hoặc “Nếu người này không có gì đặc biệt với công ty cả thì chẳng phải sẽ ngay lập tức bỏ việc hay sao?”.
Vì vậy việc tìm hiểu về công ty là rất quan trọng. Tất nhiên là bạn nên tìm hiểu thật kỹ những thông tin ở trên trang chủ của công ty ứng tuyển, cũng cần đọc thật kỹ thông tin tuyển dụng. Nhiều trường hợp thì thông tin tuyển dụng này sẽ bao gồm nội dung công việc tuyển dụng và nhiệm vụ của công việc. Nếu nội dung, nhiệm vụ của công việc ứng tuyển và động cơ xin việc của bạn có sự khác biệt, nhà tuyển dụng sẽ xem nó là những thứ lạc đề và đưa ra đánh giá tiêu cực về bạn.
Tuy nhiên nếu bạn bắt đầu viết động cơ xin việc từ thông tin tuyển dụng hoặc những thông tin trên trang chủ của doanh nghiệp thì động cơ xin việc của bạn sẽ trở nên rất lỗi thời. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên viết động cơ xin việc dựa trên nền tảng là những thứ quan trọng trong công việc của bạn. Nếu bạn có thể liên kết giữa những nội dung được đăng tải trên trang web, nội dung công việc với những hình ảnh lý tưởng trong công việc và những nghề nghiệp mà bạn muốn tiếp tục theo đuổi thì bạn sẽ có thể nói về động cơ xin việc của mình một cách đầy thuyết phục.
5. Câu 4: Câu hỏi về những kỹ năng/ thành tựu/ kinh nghiệm có thể ứng dụng “Những kinh nghiệm mà bạn có thể ứng dụng được ở công ty chúng tôi là gì?”
Vào cuối cuộc phỏng vấn bạn thường được hỏi những câu hỏi chuyên sâu như “Những kỹ năng/ thành tích/ kinh nghiệm/ mà bạn có thể sử dụng được”. Đây là câu hỏi để nhà phỏng vấn có thể tưởng tượng xem “Cụ thể thì ứng viên này có thể làm việc như thế nào ở công ty mình”, câu hỏi này được đưa ra dựa trên sự đánh giá về các cuộc trao đổi trước đó như “Tự giới thiệu/ PR bản thân”, “Lý do chuyển việc”, “Động cơ xin việc”. Vì vậy, bạn đừng nghĩ nó là một câu hỏi để đánh rớt mà hãy nghĩ nó là một câu hỏi xác nhận nhỏ cần thiết để có thể thông qua vòng tuyển dụng.
Điều quan trọng là bạn phải hiểu được một cách tường tận những nội dung công việc của vị trí bạn đang ứng tuyển và lựa chọn ra những kỹ năng/ thành tích/ kinh nghiệm phù hợp với nội dung công việc đó. Những người thường bị đánh trượt trong cuộc phỏng vấn vì mắc sai lầm là đối với câu hỏi này, họ kể về câu chuyện mà bản thân đã cố gắng như thế nào hoặc đã phải chịu khổ cực như thế nào. Thứ mà nhà phỏng vấn muốn biết là dự kiến sau khi vào công ty ứng viên sẽ có thể làm việc như thế nào. Vì vậy trước khi đi phỏng vấn, hãy đọc thật kỹ thông tin tuyển dụng, sau đó cố gắng suy nghĩ xem trong những kỹ năng/ thành tích/ kinh nghiệm của mình, cái nào thật sự có ích cho công việc mình đang ứng tuyển.
Nếu như bạn đang muốn hướng đến việc chuyển sang một ngành nghề hay công việc khác thì hãy thử tìm kiếm những kỹ năng/ thành tựu/ kinh nghiệm mà bạn có thể sử dụng được ở một tầm nhìn rộng hơn là “công việc”, chứ không phải một phạm vi hẹp là “ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển”. Ví dụ, ở bất cứ công việc nào thì đều phải có “mục tiêu”. Nếu bạn đã có những thành tựu trong việc đạt được mục tiêu ở công việc hiện tại hoặc công việc trước đây thì bằng việc nói một cách cụ thể về những hoạt động mà bạn đã làm để đạt được mục tiêu đó, bạn có thể nhấn mạnh về “khả năng định hướng đạt được mục tiêu” của mình – loại kỹ năng có thể ứng dụng trong tất cả mọi công việc.
Vào cuối cuộc phỏng vấn, bạn sẽ thường được hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Đây được gọi là “câu hỏi ngược”. Thông thường, nội dung của câu hỏi ngược này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn không nên trả lời rằng “Tôi không có câu hỏi nào cả” hoặc “Tôi ổn, không sao”. Dựa vào việc bạn có đặt câu hỏi hay không, nhà phỏng vấn có thể kiểm tra rằng “Người này có hứng thú với công ty hay không?” hoặc “Người này có thật sự mong muốn vào công ty hay không?”.
Dù nói vậy nhưng không phải là bạn có thể hỏi bất cứ điều gì mà bạn muốn. Nguyên tắc là bạn hãy hỏi những điều mà bạn cần xác nhận sau khi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc gia nhập công ty. Nếu nhà phỏng vấn trong buổi phỏng vấn sơ khảo của bạn là người phụ trách ở nơi làm việc thì bạn có thể đưa ra những câu hỏi như “Sau khi gia nhập công ty thì công việc mà tôi có thể ngay lập tức đảm nhiệm là gì?” hoặc “Những thành viên mà tôi làm việc chung có công việc và độ tuổi như thế nào?”. Còn nếu nhà phỏng vấn trong buổi phỏng vấn cuối cùng của bạn là nhân viên cấp cao hoặc nhà quản lý, bạn có thể đưa ra những câu hỏi như “Nếu không phiền thì anh/ chị có thể chỉ cho tôi biết những lĩnh vực mà công ty sẽ tập trung trong thời gian tới hay không ạ?” hoặc “Thị trường đang chuyển động theo hướng …, công ty có những giải pháp đối phó như thế nào ạ?”
Cho dù đó là những điều mà bạn muốn xác nhận sau khi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc gia nhập công ty thì bạn cũng nên tránh những câu hỏi có liên quan đến phúc lợi và chế độ đãi ngộ. Bởi vì bạn có thể bị đánh giá là một con người chỉ quan tâm đến những điều kiện hơn là công việc, sau khi nhận được naitei – giấy xác nhận trúng tuyển thì bạn còn có nhiều cơ hội khác để xác nhận về những vấn đề này. Bạn nên đặt ra những câu hỏi mà chỉ có nhà phỏng vấn trước mặt bạn có thể trả lời được.
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu về 5 câu hỏi thường được hỏi trong các buổi phỏng vấn, ngoài ra còn có “những câu hỏi liên quan đến ước mơ, dự định nghề nghiệp trong tương lai”, “câu hỏi về các điều kiện như thu nhập hàng năm, nơi làm việc và làm thêm ngoài giờ”. Cùng với câu hỏi về động cơ xin việc thì “những câu hỏi liên quan đến ước mơ, dự định nghề nghiệp trong tương lai” sẽ là cơ sở để nhà phỏng vấn đánh giá rằng “Người này có thể làm việc lâu dài ở công ty hay không?”. Để tránh phát sinh những sự khác biệt so với động cơ xin việc, bạn hãy hãy trả lời về hình tượng của bản thân mình trong tương lai mà bạn đang hình dung ra.
“Những câu hỏi về các điều kiện như thu nhập hàng năm, nơi làm việc và làm thêm ngoài giờ” ngoài ý nghĩa so sánh điều chỉnh thì nó còn là câu hỏi để kiểm tra sự nhiệt tình của bạn đối với việc gia nhập công ty cũng như năng lực tự nhận thức của bạn. Ví dụ, bạn đang ứng tuyển vào một công ty có quy mô rộng khắp cả nước và có khả năng phải thuyên chuyển công tác nhưng bạn lại nói “Tôi thật sự không muốn phải thuyên chuyển công tác” thì nhà phỏng vấn sẽ đánh giá bạn không thật sự mong muốn được gia nhập công ty. Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về những điều khoản mà mình sẽ nhận được sau khi gia nhập vào công ty ứng tuyển để có thể trả lời một cách bình tĩnh nhất.
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK
Chuyên cung cấp các dịch vụ sau:
Dịch vụ biên phiên dịch tiếng Nhật, Anh, Việt
Dịch vụ làm CV tiếng Nhật
Dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản
Chương trình internship tại Nhật Bản cho trường liên kết
Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755/ 035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 152
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.