Tại các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng rất hay hỏi về định hướng nghề nghiệp tương lai của bạn. Thực chất dựa vào câu hỏi này, phía công ty sẽ đưa ra đánh giá quan trọng đến mức có thể ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Vì vậy, để tránh mất bình tĩnh, bạn nên hiểu lý do tại sao nhà tuyển dụng hỏi như vậy và chuẩn bị sẵn câu trả lời thích hợp.
Tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về định hướng nghề nghiệp?
Nhà tuyển dụng hỏi về định hướng nghề nghiệp là để xem xét liệu rằng ước mơ và lý tưởng của bạn có thể thực tế hóa trong công ty đó hay không. Họ muốn tuyển những người sẽ ổn định lâu dài và nỗ lực làm việc sau khi vào công ty. Do đó, nếu định hướng nghề nghiệp tương lai của bạn có thể thực hiện tại công ty này, thì bạn sẽ được xem xét là người ít có rủi ro nghề nghiệp (không thích hợp hoặc nghỉ việc), và hơn thế nữa bạn còn được đánh giá là người có động lực làm việc tích cực để thực hiện định hướng nghề nghiệp tương lai của mình.
Điểm lưu ý khi trả lời câu hỏi về định hướng nghề nghiệp
1. Nội dung cụ thể
Việc trình bày định hướng nghề nghiệp cụ thể khi phỏng vấn là điều rất quan trọng. Hãy làm cho kế hoạch này trở nên thu hút trong mắt nhà tuyển dụng, bằng cách xác định rõ bạn muốn đạt được vị trí nào, trong thời gian bao lâu tại công ty đó.
2. Có tính khả thi
Lấy một ví dụ để xem xét điều này. Sẽ không có ai tin vào một kế hoạch xa vời thực tế như “Đạt thành tích số một trong công ty trong 1 năm và trở thành giám đốc kinh doanh trong vòng 3 năm”. Để hoàn thành kế hoạch nghề nghiệp theo như định hướng cần trải qua cả một quá trình. Hãy suy nghĩ một cách thực tế về những bước bạn nên làm để đạt được mục tiêu của mình.
3. Không chỉ mơ ước mà còn phải hành động
Sẽ không ai tin tưởng vào người đặt mục tiêu trở thành giám đốc trong 10 năm, mà cho đến hiện tại vẫn chưa bắt đầu học cách quản lý doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng không chỉ chú ý đến nội dung định hướng nghề nghiệp của bạn, mà họ còn quan tâm đến việc bạn có đang hành động để hiện thực hóa chúng hay không.
Các câu trả lời ví dụ
Sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra ví dụ những câu trả lời hợp lý và câu trả lời nên tránh.
1. Câu trả lời hợp lý
“Tôi muốn trở thành một nhân sự đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh doanh (phát triển khách hàng mới) mà quý công ty đang hướng tới.
Để đạt được điều này, trước tiên tôi sẽ tận dụng kinh nghiệm bán hàng của mình và cố gắng hiểu được nhu cầu của khách hàng với tư cách là thành viên của bộ phận bán hàng. Đồng thời, tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm và dịch vụ mà quý công ty cung cấp, để đưa ra các đề xuất có giá trị cao cho khách hàng.
Tuy nhiên, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành nên hiện tại tôi đang mở mang kiến thức bằng cách tự học trên sách báo và trên mạng. Ngoài ra, tôi cũng đang cố gắng trang bị thêm các bằng cấp cần thiết trong thời gian sắp tới. Vì vậy, tôi chắc chắn mình sẽ đem lại thành tích tốt với vai trò là một nhân viên luôn sẵn sàng chiến đấu hết mình, cũng như là một thành viên trung tâm trong chiến lược kinh doanh của quý công ty.”
2. Câu trả lời nên tránh
“Tôi sẽ đạt được thành tích số một trong công ty trong vòng 1 năm và trở thành giám đốc kinh doanh trong vòng 3 năm.
Cho đến hiện tại, tôi chỉ có kinh nghiệm bán hàng từ công việc trước đây. Vì hệ thống đánh giá nhân lực của công ty cũ quá tệ, nên mãi mà năng lực của bản thân tôi vẫn không được đánh giá cao.
Tuy nhiên, nếu được nhận vào làm việc tại quý công ty, tôi tự tin rằng mình có thể thỏa sức phát huy những kinh nghiệm của bản thân, và cố gắng làm việc như một nhân lực nòng cốt. Tôi nghĩ mình sẽ trở thành giám đốc kinh doanh trong vòng ba năm và góp phần giúp quý công ty phát triển hơn nữa. Vì vậy, rất mong nhận được sự giúp đỡ từ mọi người.”
Bạn cảm thấy thế nào về câu trả lời trên? Chắc hẳn nhiều người cảm thấy rằng “trở thành một giám đốc trong vòng 3 năm là chuyện không tưởng”. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét các điểm không hợp lý trong câu trả lời trên một cách chi tiết.
Đó là một định hướng nghề nghiệp bất khả thi.
Xét theo khía cạnh thực tế thì những mục tiêu như đạt vị trí số một công ty trong vòng 1 năm, hay thăng đến chức giám đốc trong vòng 3 năm,… là chuyện rất khó xảy ra. Việc đặt mục tiêu cao là rất tốt nhưng nếu nó quá phi thực tế, các công ty sẽ không thấy được lợi ích của việc tuyển dụng bạn.
Đổ lỗi cho công ty vì đã không tạo ra thành quả.
Ở ví dụ trên đã nói đến việc không được đánh giá cao ở công ty cũ là do lỗi của công ty. Tuy nhiên, dù điều đó có là sự thật đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải cẩn thận về cách trình bày để tránh bị đánh giá là người “chỉ phàn nàn về công ty mà không cố gắng thay đổi bản thân”.
3. Không nên trả lời là bạn không có định hướng nghề nghiệp trong tương lai
Khi bất ngờ được hỏi: “Định hướng nghề nghiệp của bạn là gì?” thì chắc hẳn mọi người đều thấy hoang mang không biết nên trả lời thế nào. Tuy nhiên nếu trả lời là “tôi không có định hướng nghề nghiệp” thì chẳng khác nào thừa nhận mình không có dự định cho tương lai, cũng như không có mục tiêu phấn đấu. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người thiếu tính kế hoạch và mục tiêu.
Bên phía công ty luôn muốn tuyển dụng nguồn nhân lực có khát khao phát triển bản thân. Và bên phía ứng viên thì muốn có môi trường làm việc để có thể phát triển. Vì vậy, hãy cố gắng bày tỏ thái độ nghiêm túc với công việc và gây nên ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK
Chuyên cung cấp các dịch vụ sau:
Dịch vụ biên phiên dịch tiếng Nhật, Anh, Việt
Dịch vụ làm CV tiếng Nhật
Dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản
Chương trình internship tại Nhật Bản cho trường liên kết
Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755/ 035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 354
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.