Khi thời điểm tìm kiếm việc làm ngày càng đến gần, sẽ có những người cảm thấy lo sợ và cảm thấy bế tắc. Tại sao họ lại sinh ra cảm giác “sợ hãi” đó? Vậy, làm thế nào để đối diện và loại bỏ những nỗi sợ hãi, bất an của việc tìm kiếm việc làm?
Trong bài đăng lần này, tôi sẽ nêu lên một số nguyên nhân tại sao lại có cảm giác lo sợ khi tìm kiếm việc làm và một số giải pháp để khắc phục chúng.
Những nguyên nhân gây ra cảm giác lo sợ khi tìm kiếm việc làm
Tuỳ vào mỗi người mà có nhiều nguyên nhân gây ra cảm giác lo sợ. Có những người cảm thấy sợ hãi quá trình tìm kiếm việc làm, nhưng cũng có người lại cảm thấy lo lắng khi họ phải đối mặt với việc trở thành người của xã hội sau khi hoàn tất quá trình tìm kiếm việc làm.
1. Lo sợ việc phỏng vấn
Bất kể bạn làm việc trong ngành gì thì trong quá trình tìm kiếm việc làm đều phải trải qua nhiều lần phỏng vấn. Chẳng có gì lạ khi bạn lo sợ những cuộc phỏng vấn việc làm cả. Và cũng có thể nói là khá hiếm những người cảm thấy quen, thích nghi được với chuyện phỏng vấn hay hoàn toàn không chút lo sợ gì về chuyện đó. Nguyên nhân có thể là do có những người cảm thấy sợ hãi bởi bản thân không giỏi nói chuyện với những người trong lần gặp đầu tiên, nhưng cũng có những người dù thích nói chuyện với người khác nhưng khi phải cùng nhà tuyển dụng nói chuyện trong một căn phòng “đầy mùi nghiêm túc” cũng khiến họ “sợ teo người”.
2. Lo sợ việc biết được kết quả tuyển chọn
Trong quá trình tìm kiếm việc làm có một giai đoạn mà rất nhiều người lo sợ, đó là việc biết được kết quả tuyển chọn hoặc khoảng thời gian đợi chờ kết quả tuyển chọn. Nhiều người luôn lo lắng rằng nếu không đỗ phỏng vấn thì phải làm sao đây, có khi nào rớt phỏng vấn do trả lời không được tự tin không,… Nhưng bạn biết không, càng suy nghĩ đến việc đó bản thân bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của những bất an chồng chất lên nhau.
3. Lo lắng vì có thể không tìm được nơi làm việc như mong muốn
Có nhiều người sợ hãi bởi vì không biết công việc bản thân mình muốn làm là gì hay năng lực của bản thân ra sao cũng như cho đến giờ bản thân cũng chưa nghĩ đến chuyện muốn làm việc ở công ty nào, vì vậy mà sinh ra cảm giác bất an rằng “Đến bây giờ mà mình vẫn không tìm thấy được công việc nào mình mong muốn sao?”. Cho dù là bản thân hiểu được những điều này nhưng nếu bạn cứ như vậy mà trốn tránh việc tìm kiếm việc làm thì chẳng có điều gì được giải quyết cả. Trong khi đó xung quanh bạn, các sinh viên còn ngồi ở ghế nhà trường đã tham gia vào các hội chợ việc làm hay đi thực tập, tăng cường đánh giá, phân tích bản thân, nỗ lực tìm kiếm việc làm. Nhìn thấy những người như vậy rồi nhìn lại bản thân mình, bạn sẽ sinh ra những nỗi bồn chồn, bất an rằng chỉ có bạn là dậm chân tại chỗ, không làm gì cả. Khi bạn đã nhận điều đó, hãy bắt tay ngay trong năm nay, ngay tại thời điểm này, bắt đầu từ những việc bản thân có thể làm được bởi vì không có gì là quá muộn cả.
4. Sợ trở thành người của xã hội
Ngay cả khi nhận được lời mời thử việc từ công ty mà mình mong muốn sau khoảng thời gian tìm việc làm thì có lẽ vẫn có nhiều người lo sợ việc mình trở thành một phần của xã hội, một phần của thế giới những người đi làm. Bởi những người như vậy phải gánh trên vai những áp lực tinh thần trách nhiệm mà xã hội tạo ra, hay việc họ phải xa rời cuộc sống tự do như hồi còn là học sinh, sinh viên,… Chính những điều đó đã sinh ra những nỗi sợ cho họ.
Những thất bại thường gặp trong quá trình tìm kiếm việc làm
1. Hình ảnh công ty lý tưởng không thực tế
Việc bản thân vẽ lên một bức tranh về một công ty lý tưởng không phải là một chuyện xấu, tuy nhiên nếu bức tranh đó quá phi thực tế, nó có thể dẫn đến việc bạn không thể chấp nhận khoảng cách giữa thực tế và tưởng tượng lại có sự chênh lệch lớn đến như thế, bạn không thể đối mặt nó và từ đó bạn thất bại trong việc tìm việc làm. Trong thực tế không mấy công ty có thể đáp ứng một cách hoàn hảo các điều kiện như dễ dàng xin nghỉ mà không cần phải tăng ca bù, tiền lương cao, là nơi có môi trường tạo điều kiện cho bạn có thể học những gì bạn muốn,… Vì vậy hãy nhìn nhận thực tế trước khi bị thực tế làm bạn thất vọng.
2. Thất vọng về kết quả phỏng vấn khiến không có tinh thần để tiếp tục
Một ví dụ bắt nguồn cho sự thất bại của bạn trong quá trình tìm kiếm việc làm đó là khi bạn nhận được kết quả phỏng vấn không như bạn mong muốn trong khi bạn vốn đã rất tự tin vào nó, bạn chán nản và rồi không còn tinh thần để tiếp tục đi tiếp. Bạn biết không, các doanh nghiệp, công ty không chỉ tuyển những nhân viên có tài năng mà còn tìm kiếm những người phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, công ty, vì vậy bạn nên nhớ đó cũng là một tiêu chí quan trọng. Chuyện trượt phỏng vấn là chuyện không thể tránh khỏi, vậy nên bạn hãy đối mặt, chấp nhận, xốc lại tinh thần và bước tiếp.
3. Mang trong mình nỗi bi quan "Tôi không thể tìm việc..."
Trong quá trình tìm kiếm việc làm, không hiếm chuyện có những người trở nên bi quan do không biết bản thân mình có kỹ năng, điểm mạnh nào, cảm thấy bản thân không thể xin việc ở bất cứ đâu.
4. Cảm thấy hoang mang khi bị hỏi câu hỏi ngoài dự tính trong buổi phỏng vấn
Có những người vì không chuẩn bị kỹ càng cho buổi phỏng vấn đã phải hoảng loạn khi gặp phải những câu hỏi ngoài dự tính, và rồi cảm thấy sợ những buổi phỏng vấn sau này.
Cách loại bỏ những lo lắng, sợ hãi và tránh nhận phải những thất bại
Nếu bạn cứ tiếp tục buồn phiền một mình như vậy thì những bất an, lo sợ về tìm kiếm việc làm sẽ chỉ tăng lên. Hãy tìm đến trung tâm hướng nghiệp hay trao đổi và nhận tư vấn từ những người xung quanh để mở rộng suy nghĩ, cách nhìn của bản thân. Bạn có thể thử xem xét một vài cách cụ thể dưới đây.
1. Tìm đến trung tâm hướng nghiệp
Nếu bạn không giỏi hay gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm, hãy thử tìm đến các trung tâm hướng nghiệp. Vì nơi đây có rất nhiều sự kiện, những buổi hướng nghiệp việc làm vậy nên bạn hãy thử tham gia để có thể mở rộng quan điểm, suy nghĩ của bản thân nhé.
2. Thử trò chuyện cùng với những người thân thiết
Có một số người luôn tự mình gồng gánh những khó khăn về việc tìm kiếm việc làm, thậm chí cũng không trò chuyện, tâm sự với những người thân thiết xung quanh. Bố mẹ, anh chị đi trước, có lẽ họ cũng giống như bạn, cũng từng trải qua một những khó khăn trong quá trình tìm việc, và cả những người bạn dường như rất thuận lợi trong lúc tìm kiếm việc làm cũng có thể sẽ đồng cảm với bạn về những âu lo trong quá trình kia. Vậy nên bằng việc trò chuyện với những người xung quanh, bạn có thể sẽ nhận những lời khuyên, tư vấn một cách khách quan từ họ. Điều đó có thể sẽ giúp bạn gỡ nút thắt trong lòng mình.
3. Thay đổi suy nghĩ
Với những bạn lo sợ việc phỏng vấn, trước tiên bạn hãy thử suy nghĩ như thế này: “Nhà tuyển dụng hay mình cũng đều là con người cả thôi, hồi trước họ cũng từng trải qua tìm kiếm việc làm giống như mình bây giờ thôi mà”. Và thậm chí khi bạn trượt phỏng vấn, hãy suy nghĩ tích cực rằng bản thân bạn không phải là không có sức hút hay không có năng lực mà chỉ đơn giản là do công ty đó k hợp với bạn. Nếu bạn cứ tiếp tục tìm kiếm mà không nhụt chí bỏ cuộc thì nhất định một ngày nào đó sẽ có doanh nghiệp, công ty đánh giá cao về bạn, nhận ra được tài năng của bạn.
Tóm tắt
Không có gì kì lạ hay đáng xấu hổ khi sợ hãi việc tìm kiếm việc làm. Điều quan trọng là bạn hiểu được nguyên nhân, bạn đối diện và giải quyết nó như thế nào. Bạn hãy thử tham khảo những cách giải quyết khắc phục trong bài viết này, cùng với đó hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ và loại bỏ những suy nghĩ âu lo, sợ sệt trong bạn nhé!
CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK
Chuyên cung cấp các dịch vụ sau:
Dịch vụ biên phiên dịch tiếng Nhật, Anh, Việt
Dịch vụ làm CV tiếng Nhật
Dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản
Chương trình internship tại Nhật Bản cho trường liên kết
Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755/ 035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK
Bài viết này hữu ích như thế nào?
Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá nó!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 175
Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.