Cách trả lời câu hỏi về điểm yếu trong phỏng vấn

“Hãy cho chúng tôi biết điểm yếu của bạn”. Chắc hẳn có rất nhiều người bối rối khi được hỏi như vậy trong cuộc phỏng vấn. Họ có thể đã làm rất tốt khi nói về lý do xin việc hay về giới thiệu bản thân, nhưng lại gặp vướng mắc trong việc trả lời về khuyết điểm của mình. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích lý do nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn và hướng dẫn cho bạn cách trả lời, giới thiệu những điểm cần lưu ý và những câu trả lời nên tránh để giúp bạn không gặp phải vướng mắc ấy.

Tra loi diem yeu trong pv 1

Tại sao nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn?

Để trả lời trôi chảy các câu hỏi về khuyết điểm trong phỏng vấn, trước tiên bạn nên hiểu lý do tại sao bạn được hỏi về điều này. Vậy tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về điểm yếu của ứng viên? Đó là bởi vì họ muốn hiểu rõ về bạn. Cụ thể hơn, qua việc lắng nghe những điểm yếu, họ có thể nhìn nhận được bốn góc độ sau đây từ bạn:

1. Hiểu về bản thân một cách khách quan

Hãy thử đặt mình vào góc nhìn của nhà tuyển dụng. So với một người trả lời: “Tôi có thể làm được mọi thứ. Tôi không có khuyết điểm”, thì một người tự nhận: “Thành thật mà nói, tôi không giỏi những thứ này” chẳng phải sẽ gây ấn tượng hơn bởi sự khiêm nhường hay sao? Vì chẳng có ai muốn nói ra những điểm yếu của mình cả. Cũng chính vì vậy mà những người có thể nói ra điểm yếu của mình lại gây ấn tượng tốt. Có vẻ như những người có khả năng tự phân tích kỹ lưỡng và biết rõ khuyết điểm của mình sẽ có thể trưởng thành hơn, vì ngay cả khi đã được nhận vào công ty rồi, họ vẫn lắng nghe góp ý từ những người xung quanh.

2. Tính trung thực

Sẽ chẳng ai muốn làm việc với một người không trung thực, dù người đó có thành tích và khả năng vượt trội tới đâu. Vì mỗi người đều có khuyết điểm riêng. Khi bạn trả lời lấp liếm, che đậy đi những khuyết điểm, sẽ khó có thể khiến cho người ta cảm nhận được sự chân thành của bạn, và kết quả là gây nên ấn tượng thiếu trung thực.

3. Năng lực giải quyết vấn đề

Nhà tuyển dụng chưa hẳn đã tò mò về điểm yếu của bạn. Điều họ tò mò là cách bạn giải quyết khi gặp vấn đề. Nếu bạn có tâm thế và hành động cụ thể để khắc phục khuyết điểm của mình, bạn sẽ được đánh giá là “có chí tiến thủ trong công việc” hoặc “có động lực vươn lên để phát triển”.

4. Phù hợp với văn hóa công ty và loại hình công việc

Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa kinh doanh khác nhau. Và cũng không thể phủ nhận rằng mỗi công việc đều yêu cầu những năng lực riêng. Ví dụ: giả sử có một công ty hay một công việc đề cao tinh thần “hoạt động nhóm” hay “hợp tác”. Tại buổi phỏng vấn, nếu bạn trả lời là “Tôi không giỏi làm việc nhóm” hoặc “Tôi thường suy nghĩ và hành động một mình”, thì có thể bạn sẽ bị đánh giá là không phù hợp với công ty hay công việc đó. Khi gia nhập một công ty có văn hóa doanh nghiệp không phù hợp, hoặc theo một công việc không thích hợp với bản thân, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để không tự làm khó mình, bạn nên bày tỏ rõ ràng những khuyết điểm của mình cho nhà tuyển dụng biết.

Những điểm cần lưu ý khi trả lời về điểm yếu

Chắc hẳn bây giờ, bạn đã hiểu lý do tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về khuyết điểm của ứng viên. Giờ là lúc chúng ta nên tìm hiểu những điểm cần lưu ý khi trả lời câu hỏi đó. Chỉ cần chú ý đến nội dung và cách trình bày, ấn tượng của nhà tuyển dụng đối với bạn sẽ thay đổi đáng kể. Xin hãy lưu ý ba điểm sau đây:

Tra loi diem yeu trong pv 2

1. Có thể bù lại bằng nỗ lực và sự khéo léo

Hãy chọn nói những điểm yếu mà bạn có thể khắc phục được bằng nỗ lực và sự khéo léo của bản thân. Tuy nhiên, cũng có một số điểm yếu là không thể, hoặc cực kỳ khó để khắc phục. Trong trường hợp đó, bạn có thể gây ấn tượng tốt bằng cách bù đắp những điểm yếu bằng những điểm mạnh khác, hay khiến nhà tuyển dụng tin rằng bạn tận tâm xử lý mọi công việc.

2. Sử dụng những từ mang lại ấn tượng tích cực

Khi nói về những điểm yếu, chúng ta có xu hướng sử dụng các từ ngữ tiêu cực. Chẳng hạn như “không được” hay “không thể”. Tuy nhiên, hãy hạn chế dùng những cụm từ này hết mức có thể. Hãy dùng những cụm từ mang tính lạc quan, tích cực để nói về khuyết điểm của bạn.

Ví dụ, nếu sử dụng những câu tiêu cực như “Tôi không thể làm việc nhóm”, nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không hề có ý định cải thiện vấn đề đó. Thay vào đó, nếu nói một cách khéo léo “tôi thường có các quan điểm cá nhân khá mạnh mẽ, nên đôi lúc hay bị xung đột ý kiến với các thành viên khác trong nhóm” thì bạn có thể sẽ để lại ấn tượng tích cực trong mắt nhà tuyển dụng.

3. Nhìn nhận một cách khách quan

Hãy nêu ra điểm yếu một cách khách quan để tăng tính thuyết phục với nhà tuyển dụng. Nếu điều bạn nói chỉ dựa trên góc độ chủ quan của bản thân, bạn sẽ dễ bị đánh giá là thiếu cái nhìn khách quan. Khi nói về khuyết điểm, bạn nên kể thêm những chi tiết được người khác nhận xét về mình. Điều này giúp gây ấn tượng với nhà tuyển dụng rằng bạn là người biết lắng nghe ý kiến của người khác, và biết tự đánh giá bản thân.

Những câu trả lời nên tránh

Mặc dù phải nêu ra các điểm yếu một cách trung thực, nhưng mục đích chính của cuộc phỏng vấn là nâng cao giá trị bản thân trong mắt nhà tuyển dụng, vậy nên không phải chuyện gì cũng nên nói ra. Hãy tránh các câu trả lời sau đây:

1. Không có khuyết điểm

Về cơ bản, không ai là không có khuyết điểm. Như đã đề cập trong phần “Tại sao nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của bạn?”, nhà tuyển dụng muốn hiểu rõ về bạn qua cách bạn trả lời họ về khuyết điểm. Vì vậy, thật không hay khi bạn chỉ muốn kể ra những điểm mạnh mà giấu đi những điểm yếu của mình. Nó có thể gây ấn tượng bạn là người không trung thực, hoặc không biết tự đánh giá bản thân. Thậm chí cách trả lời “lấy mặt trái của điểm mạnh làm điểm yếu” cũng khiến bạn có khả năng bị đánh giá là không hiểu ý đồ của câu hỏi, hoặc bị xem là chỉ trả lời qua loa. Vì vậy, ngay cả khi bạn lấy điểm yếu là mặt trái của điểm mạnh để trình bày, hãy thay đổi cách dùng từ để làm sao truyền đạt nó cho thuyết phục.

2. Khuyết điểm khiến bạn bị hoài nghi về tư chất xã hội

Không nên đưa ra các câu trả lời khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn thiếu tư chất xã hội, khó có thể làm việc tốt. Chẳng hạn như: phung phí thời gian và tiền bạc, làm việc cẩu thả, nói dối, thiếu tự tin, suy nghĩ tiêu cực, giao tiếp kém,… Ai cũng lo lắng khi phải làm việc chung với những người không có các quy tắc xã hội, hay phép cư xử tối thiểu, và cả những người tiêu cực.

Tra loi diem yeu trong pv 3

3. Khuyết điểm liên quan đến đặc điểm cơ thể và bệnh tật

Các đặc điểm thể chất như “béo”, “gầy”, “ốm yếu”, “mắc bệnh mãn tính”,… không thể cải thiện hoặc cực kỳ khó cải thiện. Hơn nữa, vốn dĩ đặc điểm thể chất và vóc dáng không thể xem là nhược điểm. Nếu bạn có bệnh tật có thể ảnh hưởng đến công việc, hãy báo cáo thêm cho công ty biết.

Cách tìm ra khuyết điểm của bản thân

Có nhiều người không thật sự hiểu rõ về điểm yếu của mình. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách giúp bạn tìm ra điểm yếu:

1. Nhìn nhận lại những điều từng trải

Hãy nhìn lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình từ khi sinh ra đến nay. Khi bạn bước vào trường tiểu học, khi bạn gặt hái được thành quả trong các hoạt động câu lạc bộ của trường, khi bạn vượt qua kỳ thi cấp 3, khi bạn được khen ngợi về thành tích trong công việc,… Bạn có thể tìm ra điểm yếu của mình bằng cách nhớ lại những giai đoạn lớn của cuộc đời mình, những gì đã xảy ra và cách bạn đã hành động trong lúc đó. Hơn nữa, vì nó thực sự đã xảy ra, bạn có thể nói về nó một cách rõ ràng, chi tiết.

2. Hỏi những người xung quanh bạn

Bạn nên tiến hành phân tích, đánh giá bản thân mình qua góc nhìn của người khác. ‌ Phân tích bản thân là một phương pháp đào sâu bản thân, bằng cách hỏi những người xung quanh như bạn bè, người quen, đồng nghiệp trong công ty,… về điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Bạn nên hỏi không chỉ bố mẹ và bạn bè thân thiết của mình, mà còn hỏi cả những người không quá quen thuộc với bản thân. Tùy vào mức độ thân thiết, bạn sẽ nhận được những nhận xét khác nhau về điểm mạnh và điểm yếu của mình. 

3. Suy nghĩ từ những điểm mạnh

Điểm mạnh và điểm yếu thường không được tách bạch rõ ràng. Thông thường, mặt trái của điểm mạnh chính là điểm yếu. Vì vậy, hãy thử nghĩ xem có lúc nào những điều bạn luôn coi là điểm mạnh lại vượt quá mức và trở thành điểm yếu hay không. Ngoài ra, việc rút ​​ra điểm yếu từ điểm mạnh sẽ làm cho câu chuyện trở nên nhất quán và thuyết phục hơn đối với nhà tuyển dụng.

Tổng kết

Khác với lý do ứng tuyển, không phải lúc nào nhà tuyển dụng cũng hỏi về khuyết điểm của bạn.
Tuy nhiên, chuẩn bị sẵn sàng là việc rất quan trọng trong các hoạt động tìm kiếm việc làm. Để không gặp rắc rối với các câu hỏi này, bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng trước khi thử sức với những cuộc phỏng vấn.

CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 358

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.