CÁCH GIỚI THIỆU VÀ PR BẢN THÂN KHI THAM GIA PHỎNG VẤN – CÂU TRẢ LỜI VÍ DỤ

Nhà phỏng vấn sẽ dựa vào nội dung giới thiệu và PR bản thân của bạn để đánh giá xem bạn có thể đóng góp những gì cho công ty của họ. Để có được đánh giá cao từ nhà phỏng vấn, bạn cần phải truyền tải một cách cụ thể rằng bạn có thể sử dụng những thành tựu và kỹ năng của bạn như thế nào ở công ty và ngành nghề bạn đang ứng tuyển.  Bài viết này sẽ giải thích về cách chuẩn bị và cách nói khi giới thiệu / PR bản thân, cùng với đó chúng tôi cũng sẽ đưa ra một số ví dụ câu trả lời khi được hỏi “Hãy PR bản thân một cách đơn giản dựa trên những kinh nghiệm làm việc từ trước tới giờ của bạn” hoặc “Bạn hãy giới thiệu bản thân”, “Bạn hãy cho chúng tôi biết những thành tựu từ trước tới giờ mà bạn đã đạt được” trong cuộc phỏng vấn.

giới thiệu, pr bản thân

1. LÝ DO NHÀ TUYỂN DỤNG YÊU CẦU BẠN GIỚI THIỆU / PR BẢN THÂN

Thứ mà nhà phỏng vấn muốn xem xét nhất khi bạn giới thiệu / PR bản thân chính là liệu bạn có thể hoạt động tích cực trong công ty của họ hay không. Họ cũng sẽ kiểm tra xem những kinh nghiệm làm việc, thành tựu, kỹ năng của bạn có phù hợp với hình tượng mà công ty đang tìm kiếm hay không. Nếu như phần tự giới thiệu / PR bản thân của bạn có thể chứng tỏ rằng bạn sẽ có thể hoạt động một cách tích cực sau khi gia nhập công ty, thì bạn đã tiến được gần hơn 1 bước nữa để nhận được giấy trúng tuyển sau khi bạn phỏng vấn đậu ở công ty Nhật. 

Ngoài ra, người ta thường sẽ yêu cầu bạn giới thiệu / PR bản thân khi mới bắt đầu cuộc phỏng vấn. Vào lúc này, nhà tuyển dụng cũng sẽ kiểm tra kỹ năng giao tiếp của ứng viên với tư cách là một doanh nhân. Vì vậy, bạn hãy nhớ rằng việc tự tin nhìn vào mắt nhà phỏng vấn và nói chuyện một cách rành mạch rõ ràng chính là tiền đề. Đôi khi, ấn tượng bạn tạo ra khi giới thiệu / PR bản thân sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí của cả buổi phỏng vấn.

2. CÁCH CHỌN NỘI DUNG ĐỂ GIỚI THIỆU / PR BẢN THÂN TRONG BUỔI PHỎNG VẤN

Khi được yêu cầu giới thiệu / PR bản thân, bạn nên chọn nói những điểm gì để nhà phỏng vấn có thể đánh giá bạn là một người ưu tú ? Thực ra, có 2 tiêu chí khá rõ ràng để bạn có thể lựa chọn những điều nên nói khi giới thiệu / PR bản thân.

thành tựu, kỹ năng giới thiệu bản thân

Nói về những thành tựu trong công việc và những kỹ năng đã trợ giúp cho thành tựu đó

Điều mà nhà phỏng vấn muốn biết được từ phần giới thiệu / PR bản thân của bạn chính là thế mạnh có liên quan đến công việc. Vì vậy, điều bạn nên truyền tải là những thành tựu trong công việc từ trước tới giờ của bạn, cũng như những kỹ năng đã giúp bạn có được những thành tựu đó. Bạn có thể đưa ra những thành tựu được biểu hiện bằng con số như “Tôi đã đạt được chỉ số mục tiêu là 120% doanh số bán hàng” hoặc những kỹ năng được truyền tải một cách đơn giản bằng những từ khóa như “kỹ năng giải quyết vấn đề”, “khả năng lãnh đạo”,…

Việc nói về những điểm mạnh trong tính cách như “luôn vui vẻ và cầu tiến”, “khá hiền lành”,…  là không cần thiết. Bạn có thể nói về cá tính của mình, nhưng điều đó sẽ không thể đáp ứng được ý đồ muốn biết về thế mạnh công việc trong câu hỏi của nhà phỏng vấn. Ngoài ra, những người trưởng thành có ít kinh nghiệm thường có xu hướng nói về những thành tựu của thời học sinh hoặc những điều bản thân đã cố gắng, tuy nhiên điều đó cũng không thật sự phù hợp. Cho dù bạn có là người thiếu kinh nghiệm như thế nào thì vẫn cần cố gắng tìm ra những điểm thu hút của bản thân dựa trên những kết quả, thành tựu trong công việc.

Nói về những thứ bạn có thể vận dụng được trong công ty, ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển

Điều quan trọng tiếp theo đó là điểm thu hút mà bạn đưa ra phải có ích trong công việc và công ty mà bạn đang ứng tuyển. Dù đây là lẽ đương nhiên, nhưng cũng có không ít người do chỉ mải nghĩ đến việc làm nổi bật nững thành tựu, kỹ năng của bản thân nên lỡ đưa ra những thứ không liên quan gì đến công việc, công ty đang ứng tuyển. Vì vậy, bạn hãy thử một lần suy nghĩ dựa trên những năng lực cần thiết của ngành nghề cũng như của nguồn nhân lực mà công ty đó đang tìm kiếm, sau đó lựa chọn những thành tựu, kỹ năng có liên quan và biến nó thành điểm nổi bật của bản thân. Đây chính là mẹo để có thể nhận được đánh giá cao từ nhà phỏng vấn.

Những kỹ năng, thành tựu này có thể đã được viết sẵn trong mục “Mô tả ứng viên cần tuyển” trong thông tin tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tính toán được những kỹ năng, thành tựu cần thiết dựa trên những mục như “Nội dung công việc” hay “Nhiệm vụ được giao”. Đầu tiên, bạn nên dựa trên thông tin tuyển dụng đó, để chọn lựa những kỹ năng, thành tựu cần nêu ra.

Đối với những người muốn tìm kiếm những điểm mạnh, điểm thu hút hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty, thì chúng tôi khuyến khích bạn có thể thử suy nghĩ về vị trí và mô hình kinh doanh của công ty trong ngành nghề đó. Bởi vì, dù cùng ngành nghề và nội dung công việc, nhưng tùy vào công ty sẽ có những điểm thu hút khác nhau.

Ví dụ, nếu là vị trí nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở một công ty đứng thứ 2 trong ngành, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, sản phẩm luôn phải tung ra liên tục, thì tốc độ và hiệu quả sẽ là những yếu tố rất quan trọng. Ngược lại, nếu là vị trí nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở một công ty có quy trình ra mắt sản phẩm mới dài và luôn ổn định giữ vị trí cao trong ngành, thì người ta sẽ yêu cầu cao ở nhân viên tính chính xác và khả năng tư duy để có thể phát triển những sản phẩm có chất lượng cao dù tiêu tốn nhiều thời gian hơn.

Bằng việc nhận thức rõ đặc trưng của doanh nghiệp bạn muốn ứng tuyển từ vị trí và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó, chắc chắn bạn có thể tự PR bản thân một cách hiệu quả hơn.

Nếu bạn không tìm được một điểm thu hút nào phù hợp ?

Trong trường hợp bạn đang thử chuyển sang một ngành nghề, công việc khác, thì rất có thể bạn sẽ không tìm được một thành tựu hay kỹ năng nào hữu ích thực sự đối với công ty, ngành nghề bạn muốn ứng tuyển.  Những lúc như vậy, mẹo là bạn hãy thử suy nghĩ, nâng tầm quan điểm của bản thân lên một bước mới. Nói cách khác, nhìn từ góc độ “công việc”, “kinh doanh”, bạn hãy thử tìm kiếm điểm chung giữa công ty, ngành nghề bạn muốn ứng tuyển và những thành tựu, kỹ năng của bản thân.

Ví dụ, trong bất cứ công việc nào cũng sẽ tồn tại thứ gọi là “mục tiêu”, vì vậy, trong mọi công việc, “Định hướng đạt được mục tiêu” sẽ là điểm được mọi người nhìn nhận đánh giá. Nếu bạn có thể truyền tải được những thành tựu của bản thân, những cách tiếp cận và đạt được mục tiêu, đồng thời giải thích được những thứ đó có thể ứng dụng ở công ty ứng tuyển như thế nào, thì bạn đang trả lời theo đúng ý đồ câu hỏi của nhà phỏng vấn.

3. CÁCH GIỚI THIỆU / PR BẢN THÂN TRONG BUỔI PHỎNG VẤN

Phỏng vấn chính là nơi giao tiếp. Cho dù bạn có những kỹ năng, thành tựu hữu ích trong công việc, công ty bạn đang ứng tuyển như thế nào mà cách truyền đạt của bạn không hay thì bạn cũng không thể nhận được những đánh giá tốt từ nhà phỏng vấn. Vì vậy bạn hãy nhớ kỹ những cách giới thiệu / PR bản thân dưới đây nhé.

Bắt đầu nói từ phần kết, kết nối với các hành động cụ thể và triển vọng trong tương lai

Khi bạn giới thiệu bản thân, việc làm nổi bật những kỹ năng và thành tựu của bản thân, hoặc khi bạn được yêu cầu “Xin hãy giới thiệu bản thân” thì quy tắc ở đây chính là bắt đầu nói từ phần kết. Đó là bởi vì khi bạn nói kết luận trước, những điểm mấu chốt sẽ được sắp xếp và dễ truyền đạt cho đối phương hơn. Vì đây là những kết luận trong công việc, kinh doanh nên về cơ bản thì những thành tựu sẽ được nêu ra trước. Ví dụ như “So với năm ngoái, tôi đã đạt được việc tăng doanh thu lên …%”, “Tôi đã phụ trách việc hướng dẫn cho … người làm thêm ở chi nhánh, giảm số vụ khách hàng phàn nàn xuống còn … vụ” sẽ phù hợp.

Tiếp theo, bạn hãy giải thích về việc mình đã làm những hành động cụ thể gì để đạt được thành tựu đó. Để tăng tính thuyết phục, bạn cũng có thể nói về những suy nghĩ nguyên nhân khiến bạn thực hiện những hành động đó. Có thể nói những hành động cụ thể mà bạn thực hiện để đạt được thành tựu chính là những kỹ năng của bạn, vì vậy nếu bạn nói theo trình tự nê trên, bạn có thể truyền tải một cách khéo léo rằng những kỹ năng đó có lợi cho công việc của bạn.

Cuối cùng, bạn nên nói về triển vọng trong tương lai. Bạn có thể tạo được ấn tượng tốt đối với nhà phỏng vấn bằng việc truyền tải rằng bạn nghĩ những kỹ năng, thành tựu bạn đã giải thích ở phần trước có thể ứng dụng như thế nào trong công việc đang ứng tuyển.

Tuy nhiên, hãy cố gắng nói ngắn gọn cụ thể cả phần nguyên nhân. Khi bạn cố gắng truyền tải tất cả những gì bạn muốn nói trong 1 lần thì sẽ rất dài, đôi khi lại không thể truyền tải được phần mà người phỏng vấn thật sự muốn nghe. Đầu tiên, bạn hãy dừng lại ở việc truyền tải một cách ngắn gọn, sau đó hẵn giao phó cho người phỏng vấn, nếu họ có điểm nào đó hứng thú thì họ sẽ hỏi bạn để đào sâu hơn.

Trả lời với tâm thế vui vẻ và khiêm tốn

lưu ý khi pr bản thân

Vì phỏng vấn là một cuộc giao tiếp nên điều bạn cần phải chú ý chính là khiến cho người phỏng vấn nghĩ rằng “Tôi muốn làm việc cùng với người này”. Vì vậy, điều quan trọng là phải nói chuyện thật vui vẻ và tích cực. Chắc hẳn chẳng ai muốn làm việc cùng với người lúc nào cũng rủ rũ, lo lắng,…

Ngoài ra, cho dù bạn có tự tin với kỹ năng và thành tựu của bản thân đến mức nào cũng tuyệt đối không nên nói chuyện với thái độ tự kiêu. Nhà phỏng vấn sẽ đánh giá một người dù hơi kém về mặt kỹ năng nhưng khiêm tốn sẽ có thể làm việc trong một tổ chức tốt hơn là một người dù có kỹ năng nhưng khó được tôn trọng. Vì vậy, bạn đừng tỏ thái độ tự mãn hay nói những thứ quá kiêu ngạo mà hãy thể hiện một tâm thế thật khiêm tốn nhé.

4. VÍ DỤ VỀ CÂU HỎI, CÂU TRẢ LỜI TỰ GIỚI THIỆU / PR BẢN THÂN

Tiếp theo đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những câu hỏi, câu trả lời thực tế có liên quan đến tự giới thiệu / PR bản thân. Tùy thuộc vào từ ngữ trong câu hỏi của nhà phỏng vấn mà các điểm mấu chốt khi trả lời sẽ khác nhau, vì vậy bạn hãy tham khảo dưới đây nhé.

Khi được yêu cầu “Hãy PR bản thân một cách đơn giản dựa trên những kinh nghiệm làm việc từ trước tới giờ của bạn”

Câu trả lời phù hợp

Tôi hiện tại đang làm việc ở một công ty phân phối máy tính. Hiện tại thì tôi có khoảng 18 khách hàng, bao gồm một công ty sản xuất quần áo lớn. Trong khoảng 6 tháng đầu năm, tôi đã đạt được mục tiêu 115% và trở thành người có doanh số bán hàng cao nhất trong 38 người kinh doanh. Tôi nghĩ lý do chính là việc tôi đã nắm bắt được chính xác nhu cầu của khách hàng. Tôi biết được thông tin rằng các công ty chế biến thực phẩm đang bị tụt hậu trong lĩnh vực IT, vì vậy tôi đã đến nói chuyện với một nhà chế biến thực phẩm lớn. Sau nhiều lần lắng nghe thì tôi đã nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, sau đó tôi tính toán về việc dựa vào máy tính của công ty chúng tôi, IT sẽ đem lại những lợi nhuận tới mức cụ thể nào cho khách hàng, tiếp theo tôi đề xuất nó với công ty khách hàng. Kết quả là cùng với việc có thêm khách hàng, tôi cũng tăng được doanh số bán hàng. Tôi nghĩ rằng bản thân sẽ tận dụng năng lực nắm bắt nhu cầu này để hướng đến việc tìm kiếm khách hàng mới cho công ty của bản.

Bạn có thể PR bản thân mình bằng việc đưa ra thật nhiều những thành tựu cụ thể như số lượng khách hàng, đạt doanh thu 115%, đạt doanh số bán hàng cao nhất,… và làm cho nhà phỏng vấn nghĩ rằng “Nếu là vậy thì người này cũng có thể mang lại thành công cho công ty”. Hơn nữa, bạn hãy trình bày một cách ngắn gọn về những lý do giúp bạn có được thành công đó cũng như cách mà bạn đã tiếp cận để hoàn thành mục tiêu. Và đó cũng sẽ trở thành căn cứ để khả năng của bản thân bạn có thể được phát huy một lần nữa ở công ty ứng tuyển. Một điểm nữa là bạn cũng có thể xác minh lại nội dung muốn nói bằng việc kết thúc bằng câu “Tôi muốn phát huy những năng lực này ở công ty của anh chị”.

Câu trả lời không phù hợp

Tôi là một người có tính cách vui vẻ và có thể nói chuyện cởi mở với tất cả mọi người. Vì vậy, tôi có rất nhiều bạn bè, tôi cũng luôn đảm nhận vị trí chủ xị trong các buổi nhậu.

Đối với việc PR bản thân trong một cuộc phỏng vấn thì những nội dung về tính cách là không phù hợp. Bởi vì việc bạn luôn vui vẻ, có thể nói chuyện với bất kỳ ai và việc bạn có thể hoàn thành suôn sẻ công việc của mình là 2 chuyện không liên quan gì đến nhau cả. Cũng đừng đề cập đến những chủ đề riêng tư như làm chủ xị cho các cuộc nhậu. Thay vào đó, bạn hãy nói về những kinh nghiệm, thành tựu trong công việc, những thứ như bạn có thể nỗ lực làm việc, đóng góp cho công ty ứng tuyển hoặc truyền tải những thông tin có căn cứ cụ thể.

Khi được yêu cầu “Bạn hãy giới thiệu bản thân”

Câu trả lời phù hợp

Tôi tên là Hanako. Cảm ơn công ty vì hôm nay đã dành ra thời gian quý báu để tôi có cơ hội phỏng vấn. Sau khi tốt nghiệp đại học …, tôi đã làm kế toán ở công ty TNHH … trong vòng 2 năm và tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, tôi phụ trách việc quyết toán và quản lý tài sản cố định trong vòng 3 năm ở công ty TNHH …, tôi đã nâng cao được tốc độ giải quyết nghiệp vụ và tính chính xác. Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm đó có thể vận dụng được ở công ty của anh chị, nên tôi đã ứng tuyển vào đây. Mong được mọi người giúp đỡ.

Khi được yêu cầu “Bạn hãy giới thiệu bản thân”, thì sau khi chào hỏi và xưng tên, bạn nên nói về những điểm nổi bật trong quá trình làm việc của bạn từ trước tới giờ và hãy có thêm một nhận xét ở cuối thì tổng kết của bạn sẽ cân đối hơn. Bạn chỉ nên nói ngắn gọn đơn giản trong vòng 1 đến 2 phút. Bạn hãy chọn những điểm thu hút dựa theo nội dung công việc hay ngành nghề ứng tuyển. Nếu bạn nhận một công việc mà bản thân chưa có kinh nghiệm, thì bạn hãy chọn và đưa vô một nghề nghiệp nào đó mà bạn có thể vận dụng nó trong công việc thực tế và có điểm tương đồng với nghề nghiệp ứng tuyển.

Câu trả lời không phù hợp

Vào thời sinh viên, với tư cách đội trưởng của đội bóng, tôi đã tập hợp được nhiều thành viên khác. Hơn nừa, với kinh nghiệm chiến thắng ở đại hội quận, tôi hiểu được việc cố gắng nỗ lực và đạt được kết quả.

Khi được  yêu cầu giới thiệu bản thân mà bạn không nói tên hay giải thích về quá trình làm việc của mình, điều này sẽ bị xem là thiếu khả năng giao tiếp. Ngoài ra, dù đối với người nói, đó là một câu chuyện huy hoàng ăn sâu vào trong trí nhớ, dù người đó có nhiệt tình để kể câu chuyện đó như thế nào thì đối với người phỏng vấn cũng sẽ không có một chút ảnh hưởng gì. Vì người phỏng vấn không thể nhìn thấy cụ thể sự liên quan đến công việc từ câu chuyện của bạn. Thứ nhà phỏng vấn muốn biết là bạn có phải nguồn nhân lực có thể hoạt động tích cực ở công ty họ hay không. Vì vậy khi trả lời cho câu hỏi này, chỉ nên đưa ra những thành tựu hay kinh nghiệm như kiểu “Tôi đã đạt được thành tích … trong công việc trước đây”.

Khi được yêu cầu “Bạn hãy cho chúng tôi biết những thành tựu từ trước tới giờ mà bạn đã đạt được”

Câu trả lời phù hợp

Tại dự án … ở công ty trước đây, , tôi phụ trách việc lên kế hoạch và thiết kế trang web, trong vòng 1 năm tôi đã thành công trong việc tăng số lượng đơn đặt hàng lên 110%. Tôi nghĩ rằng lý do thành công là do chúng tôi đã phán đoán và lên kế hoạch kỹ lưỡng cho đến tận sau khi tung ra sản phẩm mới. Tôi nghĩ rằng một nhà thiết kế web không chỉ cần năng lực thiết kế mà còn cần cả khả năng xây dựng đi trước thời đại. Vì vậy, chúng tôi khảo sát thị trường ngay từ giai đoạn lập kết hoạch, sau đó phản ánh vào trong thiết kế, hơn nữa, chúng tôi còn dự đoán những con số sau khi phát hành và lập ra kế hoạch đánh giá cho từng thời kỳ, đồng thời theo dõi sát sao từng quá trình. Tôi nghĩ rằng điều này đã giúp chúng tôi đạt được sự tin tưởng từ khách hàng, trang web cũng vận hành trơn tru hơn và dễ dàng trong việc tăng số lượng đơn đặt hàng. Tôi cho rằng việc chú trọng thành quả đạt được và khả năng nhìn thấu suốt toàn bộ một dự án nhất định sẽ giúp ích cho công ty.

Đây sẽ là một câu trả lời đầy sức thuyết phục vì ngoài việc đưa ra những con số cụ thể thể hiện việc bản thân đã đóng góp để tăng doanh số công ty, người này còn giải thích một cách ngắn gọn những lý do dẫn đến kết quả đó. Khi bạn nêu được sự liên kết giữa chu trình PDCA  mà bạn đã làm và thành quả mà bạn đạt được, nhà tuyển dụng sẽ kỳ vọng rằng bạn cũng sẽ đạt được những thành công như vậy ở môi trường làm việc tiếp theo. Từ câu chuyện về những thành tựu đã đạt được, bạn có thể thể hiện chắc chắn suy nghĩ của bản thân rằng “Không chỉ có hình thức bên ngoài mà còn hướng tới việc ứng dụng nó” và PR cho chính mình.

CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ DỊCH THUẬT IFK

Địa chỉ 1: Tầng 14, HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, HCM.
Địa chỉ 2: Tầng 5 – C5.17 Imperial Place, 631 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh
Để tham khảo dịch vụ làm cv tiếng Nhật tại đây.
Dịch vụ dịch thuật tiếng NhậtDịch thuật công chứng uy tín tại Tp Hồ Chí Minh.

Email: info@translationifk.com
Hotline: 0282.247.7755035.297.7755
Website: https://translationifk.com
Facebook: Dịch Thuật Tiếng Nhật IFK

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Nhấp vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số phiếu bầu: 225

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.